Cách kết hợp 2 tay khi chơi đàn piano

Một trong những phần khó khi học đàn piano là phải kết hợp cùng lúc 2 tay với 2 tiết tấu khác nhau, thường thì tay trái rải hợp âm và tay phải đảm nhận phần giai điệu.

Cách kết hợp 2 tay khi chơi piano
Cách kết hợp 2 tay khi chơi piano

Với người mới học, hoàn tất phần nhạc dành cho một tay đã không hề dễ trong khi phải thực hiện cả 2 tay cùng nhau lại càng thử thách hơn.

Đây là một trong những điều gây không ít bối rối trong quá trình học đàn piano.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và phương pháp luyện tập khoa học bạn sẽ nhanh chóng loại bỏ cảm giác phiền toái này, đây là thử thách bước đầu của bộ môn piano và chúng ta cần vượt qua nó.

Cách kết hợp 2 tay khi chơi piano

Giảm tốc độ (tempo)

Một trong những lỗi cơ bản thường gặp nhất ở tất cả những người chơi piano là cố gắng hoàn tất nhanh giai đoạn tập luyện để nhanh chóng chơi được bản nhạc trọn vẹn.

Việc này có thể sớm giúp bạn chinh phục bản nhạc nhưng cũng có thể làm khó cho bạn và phát sinh các lỗi về kỹ thuật.

Điển hình là hiện tượng một lỗi lặp lại nhiều lần mặc dù bạn luôn cố gắng sửa chữa. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần giảm nhịp lại.

Hãy tập chậm nhưng chắc chắn, sau đó tăng dần tốc độ đến mức mong muốn. Bạn cần nhớ rằng một khi các ngón tay đã quen với các lỗi sẽ rất khó sửa, vì thế ta cần tránh chúng ngay từ đầu là phương án tốt nhất.

Tập lần lượt mỗi tay

Thay vì bắt đầu ngay vào quá trình kết hợp 2 tay thì bạn nên bắt đầu lần lượt từng tay.

Hoàn thiện phần chơi của từng tay một, đến khi thật quen và không còn mắc lỗi ở bất cứ tay nào.

Thông thường, tay trái sẽ đảm nhận phần hợp âm với tiết tấu mang tính lặp lại, vì vậy hãy ưu tiên tay này trước.

Tiếp tục, bạn cần luyện tập thuần thục phần giai điệu của tay phải với cùng một tốc độ so với tay trái trước đó.

Và sau cùng, hãy chơi cùng lúc 2 tay ở một tempo chậm rãi, như nguyên tắc bên trên, và tăng dần tốc độ khi bạn đủ tự tin.

Chia nhỏ bài tập

Một đoạn dài trong bài tập có thể khiến việc kết hợp 2 tay của bạn gặp khó khăn, vậy tại sao không thử chia nhỏ thành các đoạn ngắn?

Sau khi hoàn tất ô nhịp thứ nhất, hãy bắt đầu chuyển qua ô nhịp thứ 2, và kết hợp chúng lại rồi mới tiếp tục bước sang ô thứ 3, 4, … Cách thực hành này mất thêm chút thời gian nhưng bù lại bạn sẽ rất chắc tay, tránh hiện tượng bị vấp trong lúc chơi.

Hãy nhớ, chia nhỏ và hoàn thiện từng đoạn ngắn, sau đó kết hợp chúng lại và bạn sẽ không còn cảm thấy khó khăn để chơi liên tục một đoạn nhạc hoàn chỉnh.

Hiểu rõ cấu tạo tác phẩm

Kết cấu của mỗi bản nhạc là khác nhau, tuy nhiên, nguyên tắc chung là luôn có sự đồng bộ giữa tay trái và tay phải.

Do đó, hãy quan sát kỹ hơn sheet nhạc, chú ý phách đầu trong ô nhịp vì đây thường là nơi bắt đầu chơi cho cả 2 tay, cụ thể là nốt nhạc đầu tiên sẽ được chơi cùng lúc để tạo sự đồng bộ cho các nốt tiếp theo.

Đồng thời, luyện tập nâng cao kỹ năng giữ nhịp sẽ bổ trợ rất nhiều cho việc kết hợp 2 tay.

Kiên nhẫn và thư giãn

Bố trí quảng nghỉ xen kẽ trong lúc tập là một phương pháp khoa học giúp bạn giải tỏa căng thẳng.

Bạn đừng ngạc nhiên khi một người chỉ dành 30 phút luyện tập mỗi ngày có thể tiến bộ nhanh hơn người khác dành đến vài giờ đồng hồ.

Hãy ngồi vào đàn khi bạn có đủ sự hứng thú, khi đó việc luyện tập sẽ hiệu quả hơn.

Tương tự khi gặp trở ngại trong việc kết hợp 2 tay, sau khi áp dụng các nguyên tắc phía trên, hãy nghỉ giữa giờ hoặc để phần còn lại cho hôm sau, khi bạn đã lấy lại sự phấn chấn trong việc tập luyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *